15 điều phải chú ý trước khi đổi theme trong WordPress
Thế mạnh của WordPress là có kho theme miễn phí khổng lồ được thiết kế và chia sẻ mỗi ngày. Nếu bạn có sở thích sưu tầm, khám phá và thay đổi theme wordpress liên tục thì dưới đây là những lời khuyên chân thành để đảm bảo sau khi thay đổi giao diện, WordPress sẽ hoạt động trơn tru, có hiệu quả và đặc biệt là không làm giảm thứ hạng blog của bạn trên các bộ máy tìm kiếm.
1. Backup dữ liệu
Đây là lời khuyên hàng đầu khi các bạn tiến hành thực hiện bất kì sự thay đổi nào trên blog. Nó giúp bạn đảm bảo an toàn về dữ liệu cũng như có thể khôi phục ngay blog nếu có sự cố xảy ra. Nên lưu giữ các bản backup trên nhiều nơi ngoài ổ cứng của bạn.
Sau khi backup xong, bạn nên tạo một localhost dưới máy tính và tiến hành khôi phục dữ liệu cũ vào localhost rồi tiến hành chỉnh sửa, thử nghiệm trên đó thay vì làm online. Chỉ khi nào bạn đã làm xong thì mới nên upload nó lên site chính.
Xem thêm: Backup dữ liệu
2. Lưu các đoạn code tùy chỉnh
Trong quá trình sử dụng, có thể các bạn đã đọc và làm theo các thủ thuật từ trên mạng và đưa vào blog giúp blog chạy nhẹ nhàng hơn mà không cần đến Plugin. Bạn cần kiểm tra và lưu lại toàn bộ code đã thêm trước đó.
Tốt hơn hết là sau này bạn nên bỏ các code tùy chinh vào một file .php rồi require vào file functions.php.
3. Kiểm tra và thêm lại mã thống kê
Đây là các đoạn mã quan trọng mà bạn cần phải kiểm tra và thêm ngay sau khi đổi theme. VD: Mã theo dõi từ Google Ananytics, mã xác nhận từ Google Webmaster Tools…
Nếu quên làm điều này có thể làm gián đoạn quá trình thống kê và thu thập, phân tích các dữ liệu về khách truy cập vào trang web của bạn. Kiểm tra và đảm bảo các đoạn mã này hoạt động tốt.
Xem thêm: Tích hợp Google Analytics hoàn hảo vào WordPress
4. Xóa các Plugins không cần thiết.
Với một số theme, khi cài đặt sẽ yêu cầu cài thêm một vài plugin để hiển thị tốt và đầy đủ tính năng của theme. Vì vậy khi bạn thay đổi và không dùng theme đó nữa thì nên kiểm tra và xóa các Plugin không cần thiết đó giúp Blog đỡ ỳ ạch.
5. Kiểm tra sự hoạt động của các Plugins.
Hiện tại đa phần các Plugin đều hỗ trợ short code hoặc đoạn mã giúp bạn thêm vào theme. Nếu bạn đã sử dụng những đoạn mã này để thêm vào các theme trước đó thì nên kiểm tra và thêm lại.
Việc kiểm tra này cũng giúp bạn khắc phục các lỗi không đáng có như các lỗi về html, css bằng cách cập nhật plugins, liên hệ với tác giả hoặc nếu biết về html, css bạn có thể tự mình thay đổi các file trong Plugin.
6. Thay đổi thiết kế và màu sắc của các quảng cáo
Với các Blog đang đặt quảng cáo của bên thứ ba như Google Adsense, Chikita, Clicksor… và có can thiệp để thay đổi màu sắc, kích cỡ của các quảng cáo thì bạn cũng nên kiểm tra lại để tránh việc quảng cáo hiển thị không nổi bật, hoặc các quảng cáo lớn hơn khung của website, nội dung dẫn tới việc tràn, vỡ khung vì mỗi theme đều có một khung và kích cỡ không giống nhau.
7. Kiểm tra dịch vụ RSS Feed
RSS Feed là chức năng vô cùng quan trọng của mỗi website. Nó giúp bạn gửi thông tin về bài viết và sự kiện đến những bạn đọc của blog. Hãy luôn kiểm tra hoạt động của RSS Feed bằng cách đăng ký nhận tin từ chính Blog của mình thông qua dịch vụ FeedBurner của Google.
8. Kiểm tra tổng thể toàn bộ các tính năng của Theme
Đối với các Theme wordpress trả phí, khi tải về các bạn sẽ thấy có thêm thư mục documentations. Hãy dành chút thời gian để tham khảo nó trước khi tiến hành thay đổi. Một vài theme miễn phí cũng có tài liệu hướng dẫn cài đặt đi kèm nhưng khá hiếm. Hãy kiểm tra tính năng tìm kiếm, lưu trữ, trang, các chuyên mục, font chữ, logo, favicon…
9. Kiểm tra cross-browser
Để đảm bảo có được thứ hạng tốt trên các công cụ tìm kiếm, phần rất quan trọng đó là sự tương thích trên các trình duyệt và các thiết bị di đông.
Hãy tiến hành kiểm tra ngay việc hiển thị của theme mới dưới các trình duyệt phổ biến như Firefox, IE, Chrome, Safari và các trình duyệt dành cho các thiết bị di động. Kiểm tra sự tương thích với các chuẩn XHTML, CSS thông qua các công cụ như W3C Markup Validation Service… Nếu theme không đạt chuẩn và không hiển thị tốt bạn nên tìm kiếm một theme khác phù hợp hơn.
10. Kiểm tra độ an toàn của theme
Đây là điều cực kỳ quan trọng nếu bạn không muốn một ngày nào đó website của bạn hiển thị một màn hình đen ngòm với thông báo H@ck by ThachPham… Lý do: Các theme miễn phí hoặc trả phí được chia sẻ trên mạng dễ dàng bị chèn các mã độc dưới dạng mã hóa. Bạn cần thực hiện một vài việc sau:
- Scan code tìm mã độc.
- Thay đổi thử các URL.
- Xóa các mã Javascripts không cần thiết.
Nếu khi thay đổi các url, xóa các đoạn mã Javascripts không cần thiết mà bạn bị redirect sang một trang web khác hay hiển thị thông báo yêu cầu bạn không được phép thay đổi url thì chia buồn với bạn nhé. 90% Code trong theme của bạn bị mã hóa và bạn có thể không đủ khả năng biết nó mã hóa cái gì trong đó cả
11. Sao lưu các Widget
Bạn sẽ phải làm việc này một cách thủ công vì đối với các widget dạng text bạn cần kiểm tra và chép các đoạn mã đã thêm vào widget sang một file mới với ghi chú đầy đủ. Sau khi thay đổi giao diện hãy thêm chúng trở lại.
12. Kiểm tra liên kết
Đảm bảo rằng liên kết đến các trang quan trọng được hiển thị và hoạt động tốt đặc biệt là các trang như liên hệ, giới thiệu, dịch vụ..
13. Xóa các widget không cần thiết
Khi sử dụng theme mới có thể các widget cũ không còn phù hợp nữa và theme mới có thể đã có tính năng đó hoặc có các widget tương tự như thế rồi. Hãy tìm và xóa chúng để blog của bạn hoạt động trơn tru hơn.
14. Kiểm tra kích cỡ của trang và tốc độ load trang
Sử dụng các công cụ trực tuyến như Pingdom Tools, Google Page Speed Insight… để kiểm tra tốc độ tải trang, các thông báo lỗi, kích cỡ trang và cách khắc phục.
15. Kiểm tra shortcode
Có một việc rất khó chịu nếu bạn có dùng các shortcode được tích hợp sẵn vào theme là khi bạn đổi theme thì nó sẽ bị lỗi do shortcode đó không thể thực thi trên theme mới.
Do đó mình khuyến khích đừng bao giờ sử dụng các shortcode có trong theme mà nên dùng plugin, nếu có dùng thì nhớ kiểm tra lại kỹ lưỡng xem có bài nào sử dụng các shortcode cũ không.
16. Gửi thông báo đến bạn đọc
Sau khi thực hiện thay đổi theme bạn nên thông báo và tiếp nhận ý kiến của bạn đọc về những thay đổi trong thiết kế của blog. Bạn đọc là những người sử dụng các loại trình duyệt khác nhau, các hệ điều hành khác nhau, các kích cỡ màn hình với các độ phân giải khác nhau. Họ có thể phát hiển và góp ý cho bạn về các lỗi cũng như đưa cho bạn ý tưởng để hoàn thiện theme hiện tại.
Trên đây là một số lưu ý nhỏ khi bạn tiến hành thay đổi theme WordPress mà bạn nên tham khảo qua để tránh những sự cố đáng tiếc cũng như để blog thân thiện hơn với bạn đọc, với các cỗ máy tìm kiếm và giữ được thứ hạng của các từ khóa.
Leave a Reply